Ban cán sự lớp là những “nhân tố nòng cốt” của lớp do tập thể học sinh bầu ra, hoặc được giáo viên chủ nhiệm cố vấn chọn ra. Thành viên ban cán sự lớp là những học sinh có năng lực học và có hạnh kiểm tốt, có uy tín, năng lực lãnh đạo tập thể, được các thành viên trong lớp tin tưởng.
Đây là bộ máy điều hành các hoạt động của lớp, đảm bảo cho việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ học tập, rèn luyện, sinh hoạt và các hoạt động phong trào theo kế hoạch của nhà trường. Ban cán sự lớp đồng thời đại diện cho tập thể của lớp mình chịu trách nhiệm trước giáo viên chủ nhiệm và nhà trường về các vấn đề được giao phó.
Chính vì vậy, ban cán sự lớp đóng vai trò quan trọng trong xây dựng một tập thể đoàn kết và môi trường học tập lành mạnh, xây dựng nề nếp tự quản cho các thành viên lớp. Do đó, phân công nhiệm vụ của ban cán sự lớp là một việc vô cùng quan trọng.
1. Nhiệm vụ của lớp trưởng
Lớp trưởng là vị trí quan trọng, là người có vai trò kết nối cả lớp với giáo viên. Lớp trưởng không nhất định phải là người học giỏi nhất nhưng phải có tài lãnh đạo, quản lý lớp trật tự, có uy tín trong lớp, có thể gắn kết các thành viên với nhau. Nhiệm vụ của lớp trưởng:
– Theo dõi và bao quát tình hình chung của cả lớp, ghi chép sổ theo dõi đầy đủ.
– Theo dõi sĩ số các buổi học, bạn nào vắng có phép, không phép.
– Tổng hợp sổ theo dõi của các lớp phó và các tổ trưởng vào cuối tuần.
– Tổng hợp kết quả thi đua và điều hành tiết sinh hoạt cuối tuần.
– Viết biên bản sinh hoạt lớp và nộp cho lớp trực tuần (Lưu lại một bản).
– Điều khiển xếp hàng ra, vào lớp, thể dục giữa giờ.
– Khởi động tiết học (bằng trò chơi hoặc kiểm tra bài cũ).
– Hô chào, tập trung và triển khai các hoạt động với lớp sớm.
– Nhiệt tình, công bằng, tự tin, có uy tín.
2. Nhiệm vụ của lớp phó học tập
– Theo dõi mọi tình hình liên quan đến vấn đề học tập, bao gồm:
+ Ghi chép sổ theo dõi đầy đủ, phối hợp với lớp trưởng quản lí lớp
+ Theo dõi những trường hợp đi học muộn, nhắc nhở.
+ Theo dõi những trường hợp nghỉ học không phép.
+ Theo dõi những trường hợp không thuộc bài hoặc không làm bài tập, làm bài chưa đầy đủ.
+ Phối hợp với các nhóm trưởng giúp đỡ những bạn học chưa tốt.
+ Theo dõi việc thực hiện việc soạn bài vào vở tự học trước khi đến lớp.
+ Nhiệt tình, có uy tín, năng lực, công bằng.
– Tổng hợp tình hình theo dõi và nộp cho lớp trưởng vào cuối tuần.
3. Nhiệm vụ của lớp phó lao động – đời sống
– Theo dõi mọi tình hình liên quan đến vấn đề lao động, kỉ luật bao gồm:
+ Ghi chép sổ theo dõi đầy đủ, phối hợp với lớp trưởng, lớp phó quản lí lớp.
+ Theo dõi việc thực hiện các buổi vệ sinh khu vực (được phân công).
+ Theo dõi việc trực nhật hàng ngày của từng nhóm, báo cáo giáo viên chủ nhiệm những nhóm quét lớp không sạch.
+ Theo dõi, điều khiển việc thực hiện các buổi lao động do nhà trường phân công về sĩ số, chuẩn bị dụng cụ lao động và tinh thần tự giác, tích cực của các thành viên trong lớp.
+ Phối hợp lớp trưởng điều khiển xếp hàng ra vào lớp và thể dục.
+ Nhắc nhóm trực đóng cửa trước khi ra về, (giám sát việc ăn vặt, đánh nhau…)
+ Nhiệt tình, khỏe mạnh, tự giác, uy tín.
+ Tổng hợp tình hình theo dõi cho lớp trưởng vào cuối tuần.
– Theo dõi và kịp thời báo cáo cho giáo viên chủ nhiệm những bạn ốm đau.
4. Nhiệm vụ của Bí thư
– Theo dõi mọi tình hình liên quan đến vấn đề Văn – Thể – Mỹ – Đời sống bao gồm:
+ Ghi chép sổ theo dõi đầy đủ, phối hợp với lớp trưởng, lớp phó quản lí lớp.
+ Làm công tác về Văn hoá – Văn nghệ, Thể dục – Thể thao.
– Theo dõi tình hình thực hiện các buổi tập thể dục.
– Chuẩn bị các bài hát hoặc tiết mục văn nghệ cho những giờ truy bài, các buổi sinh hoạt đầu tuần (khi lớp trực tuần), các đợt thi đua chào mừng các ngày Lễ, Tết.
– Theo dõi và kịp thời báo cáo cho giáo viên chủ nhiệm những bạn ốm đau.
– Biết bắt hát, nhiệt tình, vui vẻ, tự giác.
– Báo cáo cho lớp trưởng những thành viên không nghiêm túc, tích cực vào cuối tuần.
5. Nhiệm vụ của tổ trưởng
– Theo dõi tình hình thực hiện nền nếp học tập, rèn luyện của các thành viên trong nhóm:
+ Kiểm tra việc học bài, soạn bài vào vở tự học trước khi đi học.
+ Theo dõi việc làm bài và nộp vở đầy đủ cho giáo viên.
+ Nhắc nhở các bạn học yếu kém, mất trật tự.
+ Phân công trực nhật lớp, khu vực khi đến phiên của nhóm.
– Ghi chép sổ theo dõi đầy đủ.
– Trách nhiệm, công bằng, nhiệt tình, tự giác, có uy tín.
– Phân chia nhiệm vụ cho nhóm phó, thư kí.
– Tổng hợp hoạt động của tổ và nộp cho lớp trưởng vào cuối tuần.
Quyền lợi của ban cán sự lớp:
Ban cán sự lớp, bên cạnh những nhiệm vụ, cũng được hưởng một số quyền lợi nhất định như sau:
– Ban cán sự lớp được hưởng các quyền lợi quy định trong Quy chế học sinh sinh viên, Quy chế tính điểm rèn luyện và Quy chế chi tiêu nội bộ của nhà trường (nếu có). Ban cán sự lớp sinh viên được ưu tiên cộng điểm rèn luyện và được hưởng các chế độ khác theo quy định của trường.
– Ban cán sự lớp được nhận phụ cấp vào cuối mỗi học kỳ trong năm học, sau khi đã nhận xét của giáo viên chủ nhiệm và đã được nhất trí của tập thể phụ huynh.
Như vậy, ban cán sự lớp có vai trò quan trọng trong xây dựng tập thể lớp vững mạnh, mạnh cả về kết quả học tập và kết quả rèn luyện, góp phần hỗ trợ cho giáo viên chủ nhiệm hoàn thành tốt nhiệm vụ được ban giám hiệu phân công. Do đó, việc lựa chọn được một đội ngũ cán sự lớp chất lượng, hiệu quả là vô cùng quan trọng, giáo viên chủ nhiệm cần đặc biệt quan tâm vấn đề này.
Giáo viên: Vũ Thị Lan