Văn hóa Hồng Đức

VĂN HÓA TRƯỜNG TIỂU HỌC, THCS VÀ THPT HỒNG ĐỨC

 Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

Quy chế này quy định về trang phục, giao tiếp và ứng xử của cán bộ, giáo viên, nhân viên khi làm việc tại Trường Tiểu học, THCS và THPT Hồng Đức (sau đây gọi tắt là trường phổ thông Hồng Đức)

Điều 2. Nguyên tắc thực hiện văn hóa công sở tại Trường phổ thông Hồng Đức

  1. Phù hợp với truyền thống, bản sắc văn hóa các dân tộc và điều kiện cụ thể của Trường phổ thông Hồng Đức
  2. Phù hợp với định hướng xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên chuyên nghiệp, hiện đại.
  3. Phù hợp với các quy định của pháp luật và mục đích, yêu cầu về văn hóa công sở.

Điều 3. Mục đích, ý nghĩa việc xây dựng văn hoá công sở Trường phổ thông Hồng Đức

  1. Bảo đảm tính hiệu quả và nghiêm túc trong hoạt động của các bộ phận trong nhà  trường
  2. Xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên Nhà trường có tác phong, trình độ, cách giao tiếp ứng xử, lối sống văn hoá lành mạnh, văn minh… trong hoạt động, phù hợp với công cuộc cải cách hành chính, đổi mới phương thức hoạt động và hiện đại hóa công sở của cơ quan; thể hiện tác phong của người cán bộ, giáo viên, nhân viên “kỷ cương, liêm chính, hiệu quả”
  3. Tạo môi trường văn hoá, văn minh, hiện đại công sở; phát huy tinh thần đoàn kết gắn bó, trách nhiệm cao của mỗi một thành viên cơ quan trong các mối quan hệ hoạt động nhằm nâng cao tính uy nghiêm, uy tín của các bộ phận nhà trường.
  4. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, quản lý chặt chẽ tài sản của Nhà trường.
  5. Làm việc theo kế hoạch, giải quyết công việc theo quy trình, điều hành đơn vị theo quy chế.

Điều 4. Các hành vi bị cấm

  1. Cấm hút thuốc lá trong nhà trường
  2. Cấm sử dụng đồ uống có cồn tại công sở (Trừ trường hợp được sự đồng ý của Lãnh  đạo cơ quan vào các dịp liên hoan, lễ, tết, tiếp …)

Chương II

CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC, TRANG PHỤC, LỄ PHỤC CỦA CÁN BỘ, GIÁO VIÊN VÀ NHÂN VIÊN

TRƯỜNG PHỔ THÔNG HỒNG ĐỨC

Mục 1

CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC

Điều 5. Chế độ làm việc của cán bộ, giáo viên, nhân viên.

  1. Chấp hành nghiêm túc giờ giấc làm việc theo quy định tại quy chế làm việc của đơn vị. Có mặt đúng giờ tại công sở, không sử dụng thời gian làm việc vào việc riêng, đảm bảo đủ ngày công làm việc, có chất lượng, hiệu quả. Các đồng chí cán bộ phụ trách các đơn vị, các bộ phận trong đơn vị, có kế hoạch làm việc, đồng thời có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, theo dõi việc chấp quy định của giáo viên và nhân viên của bộ phận mình phụ trách
  2. Hàng ngày, vào các buổi học giáo viên trực (nếu đã được phân công tại bảng tin ở phòng giáo viên) lấy sổ đầu bài, sổ trực của từng lớp (tại phòng Giáo viên) chìa khóa (tại phòng bảo vệ) để cho các lớp mượn đầu giờ, thu và trả lại vào cuối buổi học.

Bộ phận Văn phòng hàng ngày mở cửa để giáo viên trực lấy điện thoại trực, kiểm tra và khởi động hệ thống camera.

  1. Trong thời gian làm việc phải có ý thức tạo không khí làm việc nghiêm túc, đoàn kết, thân thiện. Mọi hoạt động cá nhân trong giờ làm việc cần đảm bảo không ảnh hưởng đến công việc của các thành viên khác.
  2. Cán bộ, giáo viên và nhân viên có trách nhiệm tham gia nghiêm túc chế độ sinh hoạt định kỳ theo quy định (họp cơ quan, tổ chuyên môn), tạo mọi điều kiện để các thành viên chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi nhau để cùng tiến bộ.
  3. Trong quá trình xử lý công việc, cán bộ, giáo viên và nhân viên trong cơ quan phải nghiêm túc thực hiện quy chế phối hợp đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ đạt hiệu quả cao.

Điều 6. Chế độ thông tin, báo cáo

Các bộ phận trong nhà trường phải thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo theo quy định, đảm bảo phản ảnh đầy đủ, chính xác các hoạt động của đơn vị cho lãnh đạo nhà trường.

Mục 2

TRANG PHỤC CỦA CÁN BỘ, GIÁO VIÊN, NHÂN VIÊN

Điều 7. Trang phục

Khi đến trường thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, giáo viên, nhân viên phải ăn mặc gọn gàng, lịch sự; đúng quy định của trang phục công sở, đi giày hoặc dép có quai hậu, không đi dép lê, mặc áo có cổ hoặc không có cổ nhưng phải kín đáo, không mặc áo mỏng, váy kiểu cách mốt thời cuộc không hợp với môi trường giáo dục.

Vào các ngày Lễ trọng thể (khai giảng, 20/11….), CBGV nhà trường đồng loạt mặc đồng phục: Nữ áo dài, nam quần sẫm màu, áo trắng sơvin. Mùa đông: Nam complê, nữ áo véttông (Trừ trường hợp trời quá lạnh)

Điều 8. Lễ phục

Lễ phục của cán bộ, giáo viên, viên chức, nhân viên là trang phục chính thức được sử dụng trong những buổi lễ trọng thể. Lễ phục của nam cán bộ, cán bộ giáo viên, nhân viên là áo sơmi, cravat. Lễ phục của nữ cán bộ, giáo viên, nhân viên là: áo dài truyền thống.

Điều 9. Thẻ cán bộ, giáo viên, nhân viên

Cán bộ, giáo viên, nhân viên đến trường thực hiện nhiệm vụ phải đeo thẻ theo quy định.

Chương III

BÀI TRÍ TRỤ SỞ, PHÒNG LÀM VIỆC VÀ CÔNG TÁC ĐẢM BẢO VỆ SINH CƠ QUAN

Điều 10. Treo Quốc huy, Quốc kỳ

Quốc huy và Quốc kỳ được treo trang trọng tại vị trí theo quy định và phải được thường xuyên thay đổi khi cũ, rách. Quốc kỳ phải đúng tiêu chuẩn về kích thước, màu sắc theo quy định. Hàng năm, thực hiện treo các loại cờ (theo vị trí quy định trước sảnh Nhà trường), băng rôn khẩu hiệu tại vị trí đã được ấn định trong các dịp lễ, tết, các ngày kỷ niệm theo quy định.

Điều 11. Treo ảnh hoặc đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Treo ảnh hoặc đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở phòng truyền thống, hội trường phải thể hiện trang trọng, phù hợp, đúng quy định.

Điều 12. Treo khẩu hiệu, băng rôn, thông tin chào mừng các ngày lễ lớn, các hội nghị lớn tổ chức tại phòng họp cơ quan hoặc hội trường.

Nội dung khẩu hiệu, băng rôn phải có nội dung tuyên truyền, giáo dục phục vụ tốt cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Khẩu hiệu, băng rôn phải có hình thức mĩ quan, treo ở chỗ phù hợp, góp phần tạo cảnh quan môi trường giáo dục nhà trường.

Điều 13. Bài trí phòng làm việc của lãnh đạo, phòng chờ giáo viên và các bộ phận trong cơ quan

Các trang thiết bị, cách bố trí bàn làm việc, hồ sơ lưu trữ, tài liệu tham khảo… của từng cán bộ, giáo viên, nhân viên, từng bộ phận trong nhà trường phải khoa học, gọn gàng theo sơ đồ và theo quy định (tại phòng giáo viên đã được bố trí tủ để hồ sơ của từng giáo viên theo các ngăn). Cán bộ, giáo viên, nhân viên có trách nhiệm tổ chức, sắp xếp tài liệu hồ sơ đảm bảo khoa học, ngăn nắp và an toàn.

Điều 14. Công tác đảm bảo vệ sinh, an toàn công sở

Tổ trưởng Tổ bảo vệ phân công cho thành viên trong tổ trực bảo vệ cơ quan 24/24 giờ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cơ quan mọi thời điểm. Cán bộ phụ trách các bộ phận trong trường có trách nhiệm kiểm tra nhắc nhở việc quản lý, sử dụng các thiết bị dùng chung và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định, biện pháp phòng cháy, chữa cháy; nhân viên được phân công phụ trách các thiết bị điện, nước phải thường xuyên nhắc nhở, kiểm tra khi kết thúc buổi làm việc. Nhân viên được phân công làm tạp vụ có trách nhiệm quét dọn phòng lãnh đạo, phòng họp, khuôn viên nhà trường, công trình vệ sinh chung hàng ngày theo quy định của Nhà trường

Chương IV

NỘI QUY RA, VÀO CƠ QUAN, TIẾP KHÁCH VÀ QUẢN LÝ  PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG

Điều 15. Nội quy ra, vào trụ sở cơ quan

Cán bộ, giáo viên, nhân viên ra, vào cơ quan phải thực hiện đúng các yêu cầu của cơ quan, đơn vị. Khách đến liên hệ công tác với Lãnh đạo nhà trường phải đăng ký nội dung cụ thể và phải tuân theo sự hướng dẫn của bảo vệ và cán bộ văn phòng, không được tự tiện vào các phòng làm việc của lãnh đạo.

Điều 16. Tiếp khách

Cán bộ, giáo viên và nhân viên làm việc tại nhà trường không được tùy tiện đưa khách hoặc người nhà vào trụ sở cơ quan; trường hợp có khách đến liên hệ công tác cần hướng dẫn khách chấp hành nội quy công sở; không để khách làm ảnh hưởng đến hoạt động của cán bộ, giáo viên, nhân viên khác trong cơ quan.

Điều 17. Quản lý phương tiện giao thông

  1. Đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên cơ quan:

Cán bộ, giáo viên và nhân viên cơ quan có trách nhiệm chấp hành để xe đúng nơi quy định, thực hiện tự quản trong việc sắp xếp xe tại nhà để xe đảm bảo trật tự, ngăn nắp theo nguyên tắc xe đến trước để xe ở vị trí thích hợp, tạo điều kiện cho người đến sau có nơi để xe.

  1. Đối với khách đến trụ sở cơ quan:

Bố trí và quy định chỗ để xe của khách đến làm việc tại cơ quan khoa học, hợp  lý. Bảo vệ, nhân viên trông xe cơ quan có nhiệm vụ hướng dẫn khách để xe tại địa điểm quy định. Khi có Hội nghị hoặc tổ chức các ngày Lễ với thành phần tham dự họp đông người (20/11, họp phụ huynh, dạ hội,…), nhân viên bảo vệ bố trí, điều hành chỗ để xe phù hợp và an toàn.

Chương V

QUY ĐỊNH VỀ CHUẨN MỤC ĐẠO ĐỨC, GIAO TIẾP VÀ ỨNG XỬ

TRONG THI HÀNH CÔNG VỤ, TRONG QUAN HỆ XÃ HỘI

Điều 18. Chuẩn mực đạo đức của cán bộ, giáo viên nhân viên tại cơ quan, đơn vị

  1. Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc Việt Nam XHCN
  2. Tôn trọng và có trách nhiệm trong giao tiếp, giải quyết công việc của phụ huynh học sinh, tổ chức
  3. Không ngừng học tập, nâng cao kiến thức, kỹ năng công vụ
  4. Tận tuỵ, trung thực, minh bạch và hiệu quả đối với công việc được giao
  5. Đoàn kết, hợp tác, quan hệ đúng mực với đồng chí, đồng nghiệp
  6. Gương mẫu, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật.

Điều 19. Ứng xử trong giao tiếp

  1. Giao tiếp với tổ chức, cá nhân đến giao dịch, làm việc

Khi chào hỏi, xưng hô, phục vụ tổ chức, cá nhân đến giao dịch; làm việc phải thể hiện văn minh lịch sự, nhã nhặn, hướng dẫn tận tình; không nên có thái độ cửa quyền, hách dịch trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao.

Khi trực tiếp giao dịch với phụ huynh học sinh cần xưng tên, chức danh trước khi làm việc; lắng nghe trình bày nguyện vọng, ý kiến; giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể những điều dân cần biết; có tác phong, thái độ lịch sự, tôn trọng, nghiêm túc, khiêm tốn; ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc, không nói tục; phải gần gũi và trả lời những yêu cầu chính đáng.

  1. Giao tiếp với đồng nghiệp: Phải lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp, công bằng, vô tư, khách quan khi nhận xét, đánh giá; phải thể hiện sự đúng mực, thái độ chân tình, có tinh thần đoàn kết, phối hợp công việc trên cơ sở đồng chí, đồng nghiệp, sẵn sàng chia sẻ khi gặp khó khăn.
  2. Giao tiếp với cán bộ lãnh đạo: Cán bộ, giáo viên, nhân viên khi chào hỏi, xưng hô với lãnh đạo phải thể hiện sự tôn trọng, đúng mực.
  3. Cán bộ giáo viên, nhân viên trong đơn vị khi giao tiếp với học sinh phải có tính mô phạm (chuẩn mực).

Điều 20. Sử dụng điện thoại và giao tiếp qua điện thoại

  1. Khi giao tiếp qua điện thoại phải xưng tên, cơ quan, đơn vị nơi công tác; trao đổi ngắn gọn và nhã nhặn, đảm bảo thông tin trao đổi tập trung vào nội dung công việc cần hướng dẫn trả lời.
  2. Trong các cuộc họp, hội nghị, cán bộ, giáo viên và nhân viên phải tắt máy điện thoại di động hoặc để máy ở chế độ rung, khi trao đổi điện thoại phải ra ngoài phòng họp, âm lượng không được vọng đến người trong cuộc họp nghe.
  3. Không sử dụng điện thoại công vào công việc riêng (trừ trường hợp khẩn cấp, không làm ảnh hưởng đến công việc chung của đơn vị).

Điều 21. Ứng xử trong hội họp, nơi đông người

  1. Cán bộ, giáo viên và nhân viên tham dự họp phải nghiên cứu tài liệu họp đã nhận được (nếu có), phải đến trước tối thiểu 5 -10 phút trước khi bắt đầu cuộc họp theo kế hoạch
  2. Thực hiện tốt ứng xử văn hoá hội họp, thể hiện sự tôn trọng đối với người đang thuyết trình tại hội nghị, không đọc báo, nói chuyện, làm việc riêng; hạn chế nghe điện thoại; không đi lại, không ra ngoài phòng họp khi không thật sự cần thiết; không nói chen khi chưa được phép của người chủ trì; không bỏ về khi cuộc họp chưa kết thúc (trừ trường hợp cần thiết, cần phải xin phép của Lãnh đạo hoặc phụ trách bộ phận)

Điều 22. Ứng xử trong tiếp tân ngoại giao

Cán bộ các bộ phận của đơn vị phải tạo được ấn tượng tốt về lòng mến khách và tinh thần phục vụ chu đáo đối với khách đến thăm và làm việc tại đơn vị.

Chương VI

QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC CÁC NGÀY LỄ VÀ HOẠT ĐỘNG PHONG TRÀO

Điều 23. Các ngày lễ, ngày truyền thống của Ngành và địa phương

Các ngày lễ lớn của đất nước, ngày kỷ niệm của tỉnh (theo văn bản hướng dẫn chung)

Ngày truyền thống tại địa phương, ngành thực hiện theo quy định chung.

Điều 24. Tổ chức hoạt động phong trào

  1. Tổ chức các hoạt động lớn nhân các sự kiện, ngày lễ cần có sự phối hợp thực hiện giữa các tổ chức như: Đoàn Thanh niên, chi đoàn giáo viên…, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, đảm bảo nguyên tắc trang trọng, tiết kiệm, thiết thực.Cán bộ, giáo viê và nhân viên phải có ý thức tham gia hiệu quả, nhiệt tình, chấp hành nghiêm khi có sự phân công (trường hợp có lý do chính đáng phải báo cáo để được xem xét, giải quyết)
  2. Khi tổ chức hoặc tham gia các phong trào quần chúng, các hoạt động văn hoá thể thao cần có kế hoạch cụ thể được lãnh đạo duyệt, đảm bảo tham gia có hiệu quả.

Chương VII

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 25. Trách nhiệm thực hiện

Cán bộ phụ trách các bộ phận của đơn vị có trách nhiệm quán triệt đến từng cán bộ, công chức, viên chức và nhân viên trong đơn vị mình, chủ động đôn đốc, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện Quy chế văn hoá công sở và quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và nhân viên của đơn vị mình, phải chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng đơn vị nếu để xảy ra những vi phạm Quy chế trong đơn vị.

Các tổ chức đoàn thể trong cơ quan phối hợp chặt chẽ với chuyên môn trong việc tuyên truyền, vận động, đôn đốc, kiểm tra đoàn viên, hội viên của mình chấp hành tốt Quy chế.

Điều 26. Khen thưởng và xử lý vi phạm

  1. Trong quá trình triển khai thực hiện các cán bộ, giáo viên và nhân viên nhà trường đạt được thành tích xuất sắc, được đề nghị khen thưởng. Việc đánh giá kết quả công tác khi xét thi đua, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện Quy chế sẽ được tổ chức vào dịp kết thúc học kỳ hoặc kết thúc năm học.
  2. Cán bộ, giáo viên, nhân viên nào vi phạm phải được nhắc nhở, phê bình kịp thời. Nếu cố ý vi phạm hoặc tái phạm thì tuỳ theo mức độ nặng, nhẹ để kiểm điểm, chịu hình thức kỷ luật theo quy định.

Điều 27. Hiệu lực thi hành

  1. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vấn đề chưa phù hợp hoặc phát sinh, thì Quy chế về văn hóa công sở này sẽ được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở thống nhất giữa các đơn vị/ bộ phận trong nhà trường cho phù hợp với điều kiện thực tế.
  2. Quy chế văn hóa công sở thực hiện tại đơn vị gồm 7 chương 27 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành và được phổ biến tới toàn thể cán bộ, giáo viên và nhân viên Trường Tiểu học, THCS và THPT Hồng Đức.