HÃY ĐỂ TRÁI TIM ĐẬP NHỮNG NHỊP ĐẬP YÊU THƯƠNG

Tôi đặt chân đến ngôi trường Hồng Đức vào một khoảnh khắc thu của những ngày đầu tháng 8. Ấn tượng đầu tiên của tôi về ngôi trường đó là sự thân thiện, sự thân thiện tưởng chừng như phá bỏ sự rụt rè, bỡ ngỡ khi lần đầu tiên đặt chân đến một ngôi trường xa lạ. Tôi thực sự thích thú bởi cách thiết kế hiện đại của các phòng học khác xa với những ngôi trường mà tôi đã từng đặt chân đến. Tôi như bị cuốn hút bởi một không gian xanh mát của khuôn viên trường, đâu đâu cũng thấy một màu xanh của cây lá dưới cái nắng thu dịu dàng khiến cho con người ta nghĩ tới một ngôi trường hạnh phúc để khơi dậy những đam mê mỗi ngày.

Tôi bắt đầu nhận công việc của mình. Là một giáo viên thì không cần nhắc đến ai hiểu công việc của họ là ngày ngày làm bạn với những trang giáo án, phấn trắng và bảng đen. Và công việc của tôi cũng không có gì đáng nói hơn ngoài những công việc thường nhật của người giáo viên nếu như tôi không được phân công chủ nhiệm lớp 6A1.

Chủ nhiệm lớp học sinh bắt đầu lên lớp 6 tôi luôn xác định đây là một giai đoạn chuyển cấp cực kỳ khó khăn đối với các em. Các em bắt đầu làm quen với môi trường học tập mới: trường mới, thầy cô, bạn bè mới. Thời gian một tiết học thay đổi, số môn học tăng, số buổi học tăng và phương pháp học tập cũng không giống như các em học ở bậc Tiểu học…Bên cạnh đó có một khó khăn mà người làm công tác chủ nhiệm như tôi thường trăn trở chính là sự phức tạp trong tâm sinh lý của học sinh lớp 6. Nếu ai có con trong lứa tuổi này thì chúng ta đều nhận thấy đây là thời kì chuyển tiếp từ tuổi thơ sang tuổi trưởng thành hay còn gọi là giai đoạn dậy thì. Ở lứa tuổi này các em có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, các em đang tập khẳng định mình và các em muốn được đối xử như người lớn chứ không phải là người khác bảo sao thì phải nghe vậy. Việc nắm bắt rõ cái đặc điểm tâm sinh lý đó rất quan trọng để xử lý và giải quyết một số các tình huống xảy ra ở trong lớp. Điều đó chính là động lực để tôi luôn xác định rằng, GVCN phải là người gần gũi nhiều nhất với các em học sinh, người luôn ở bên cạnh giải đáp mọi khó khăn thắc mắc của các em. Người mà các em kính trọng và yêu quý nhất, người mà được các em xem như là cha, là mẹ không ai khác chính là GVCN.

Khi tiếng ve kêu rân ran đầu ngõ, cây phượng vĩ già đang kheo sắc đỏ thắm để chào đón mùa hè sang cũng là thời điểm một năm học nữa sắp trôi qua. Riêng tôi, một năm học được đồng hành cùng các em trôi qua như một giấc mơ, có những niềm vui, niềm hạnh phúc và có cả những nỗi buồn. Sau tất cả tôi nhận thấy rằng mọi kiến thức, kỹ năng… đều cần trang bị và rèn luyện, còn lại là một yêu cầu tuy không được đặt ra trong các văn bản nhưng nó lại chi phối tất cả, đó chính là cái “tâm” của người giáo viên. Nếu người giáo viên không làm bằng cái tâm của mình, mọi công việc sẽ chỉ là hình thức. Và như vậy, yêu thương chăm sóc các em không chỉ là trách nhiệm của bất cứ người giáo viên nào khi làm công tác chủ nhiệm mà có là một nhiệm vụ xuất phát từ trái tim, giống như trái tim yêu thương, chở che của một người mẹ dành cho những đứa con thân yêu của mình. Nhà thơ Xuân Quỳnh đã nói hộ điều này ở những vần thơ mộc mạc, dung dị và trong sáng như suy nghĩ của các em học sinh vậy.

                                          “Trông cô cũng giống mọi người

                                              Mà cô biết nhiều lắm đấy

                                              Em nóng cô cởi áo ngay

                                              Rét cô đắp chăn kín ngực

                                              Cô biết cả em nóng lạnh

                                               Dù em có nói ra đâu

Một năm học không phải là khoảng thời gian dài nhưng cũng đủ để cô trò có thể hiểu nhau. Ngay từ đầu tôi đã nhận thấy rất rõ mỗi em đều có một cá tính riêng, một hoàn cảnh riêng, điểm mạnh và điểm yếu riêng biệt. Đầu tiên tôi phải học cách chấp nhận sự khác biệt trong tính cách của mỗi em để có cách thức giúp đỡ các em trong học tập và tiếp cận các em về tâm lý mỗi khi các thành viên trong lớp chưa thật sự hiểu nhau. Tôi luôn đặt ra những quy định riêng trong tiết học của tôi, có thưởng có phạt rõ ràng để các em định hướng được những việc làm đúng đắn và có động cơ học tập tích cực. Sau mỗi lần mắc lỗi của học trò mình tôi không đơn thuần trách mắng học sinh ngay hoặc phạt lỗi và kỷ luật điều đó sẽ dễ làm nhen nhóm tính tự ái, sự hiếu thắng của lứa tuổi dẫn đến chai lỳ và bất cần mà tôi thường để các em có những khoảng lặng để tự suy nghĩ về hành động chưa đúng của mình. Sau mỗi lần như vậy các em vui, hạnh phúc vì thấy cô hiểu mình và tôn trọng mình. Các em sẽ trưởng thành hơn trong suy nghĩ và hành động mỗi ngày. Các trò chơi tập thể được cô tổ chức trong mỗi tiết sinh hoạt cuối tuần chính là một công cụ đắc lực khiến mỗi thành viên trong lớp xích lại gần nhau hơn, giúp cô trò phá bỏ mọi khoảng cách.

Trong cuộc sống này mỗi khoảnh khắc mà chúng ta bắt gặp, mỗi con người mà chúng ta tiếp xúc đều để lại dấu ấn trong nhau. Đến với 6a1 hình ảnh cậu học trò bé nhỏ C.H.Q cũng để lại ấn tượng trong tôi như thế. Q không phải là cậu học trò thi đầu vào với điểm số cao, cũng không phải là cậu học trò ngoan ngoãn nhất nhì trong lớp nhưng tôi ấn tượng với em bởi cá tính mạnh của em và một hoàn cảnh, suy nghĩ hơi có phần đặc biệt.

Tôi còn nhớ rất rõ lần đầu tiên tôi gặp em một cậu học sinh lớp 6 mà vóc dáng nhỏ nhắn giống hệt một cậu học trò lớp 4 vậy. Em chào tôi dõng dạc nhưng gương mặt thì lạnh lùng và không có chút biểu cảm, em nói luôn:

– Cô ơi em không thích đi học chỉ là bố mẹ em bắt em phải học.

Nghe câu nói đó của em, bất giác tôi nhận thấy cậu học trò này rất đặc biệt, cậu bé nào đã để lại cho tôi một ấn tượng khiến tôi rất tò mò. Buổi đầu làm quen với lớp chủ nhiệm diễn ra suôn sẻ và vui vẻ duy chỉ có Q là gương mặt vẫn lạnh lùng.

Rồi những buổi học sau đó…!

Q tỏ ra lì lợm không chịu học bài và không chịu ghi chép bài và tôi thường xuyên nhận được phản ảnh của các giáo viên bộ môn. Và thực sự tôi đã rất tức giận, tôi thường xuyên phê bình và nhắc nhở em trước lớp vào mỗi tiết sinh hoạt. Tôi cũng cho mời cả phụ huynh của em lên để nói chuyện về tình hình học tập của em.

Vào một buổi sáng…!

Tôi đến trường như mọi ngày và như thường lệ tôi lên lớp chủ nhiệm đầu giờ để kiểm tra nề nếp học sinh. Ngó qua một lượt, tôi không thấy Q đâu. Kiểm tra các phòng tôi bắt gặp Q đang ngồi thẫn thờ nhìn qua khung cửa sổ ở phòng học bên cạnh, hai hàng nước mắt lăn dài trên má. Tôi nhẹ nhàng ngồi xuống cạnh em vỗ về:

– Có chuyện gì Q kể cô nghe!

Cậu bé bắt đầu nghẹn ngào

– Tối qua bố nhốt em lại không cho ăn tối, quát mắng và đánh em đau quá cô ơi!

Tôi đã cố gắng an ủi và trấn tĩnh em bằng những lời động viên rằng có thể bố đã không kiềm chế được bản thân, bố đã kì vọng quá nhiều vào em hay do áp lực công việc quá lớn khiến bố có cư xử như vậy. Bố mẹ em đã rất cố gắng để em có một môi trường học tập tốt nhất vì vậy em hãy cố gắng đừng để bố mẹ phải thât vọng quá lớn. Q nghe tôi và đi vào lớp học.

Lần thứ 2…!

Khi tôi đang ngồi dưới phòng chờ GV, bạn lớp trưởng chạy xuống thở hổn hển:

– Thưa cô!…..bạn Q đánh nhau.

Tôi hốt hoảng chạy vội lên lớp từ xa tôi đã nghe thấy tiếng Q gào thét:

– Lại đi mà mách cô rồi bố mẹ tớ sẽ biết lại nhốt tớ vào phòng, không cho ăn cơm rồi lại đánh đập tớ.

Tôi bước vào lớp nhìn thấy Q, hai mắt đỏ ngầu khuôn mặt bừng bừng tức giận cứ gào lên câu nói vừa nãy rồi khóc nức nở, tôi thấy thương em hơn là giận em và tôi biết mình cần giúp đỡ em. Tôi không mắng em như mọi khi mà khuyên em hãy bình tĩnh đi về chỗ ngồi, cho em thời gian để bình tâm lại cuối giờ sẽ gặp cô sau.

Cuối giờ học tôi ngồi lại nói chuyện với Q. Từ đầu đến cuối mặc tôi ra sức giảng giải khuyên nhủ Q chỉ nằng nặc một câu:

– Cô ơi cô đừng nói vói bố mẹ em, bố em sẽ nhốt em và đánh em chết mất rồi sẽ phạt em không cho em đi học.

Tôi đã đồng ý và giữa cô trò đã diện ra một thỏa thuận nho nhỏ rằng cô sẽ không nói với bố mẹ em nhưng em phải hứa với cô sẽ không lặp lại khuyết điểm nữa và em hãy cho cô nhìn thấy sự sửa lỗi và tiến bộ của em từng ngày.

Những ngày sau đó…!

Tôi thấy Q đã vui vẻ trở lại học tập tích cực và điểm số rất cao bộc lộ rõ là một cậu bé vô cùng thông minh. Giờ học thể dục môn cầu lông cậu bé đã dùng toàn bộ số giấy vụn làm thành một quả bóng đá rất đẹp chạy lại khoe với cô:

– Cô ơi, em rất thích đá bóng nên em làm thêm quả bóng này, cô thấy được không?

Nói rồi, cậu bé hồn nhiên cười toe toét! Còn tôi thì thấy rằng hãy nên để các con được làm những gì con thích có như vậy tuổi thơ con mới thực sự được trọn vẹn.

Buổi họp phụ huynh của lớp kết thúc, tôi đã ngồi nói chuyện suốt 2 giờ đồng hồ với bố Q, tôi mong muốn anh hãy có một cách nhìn nhận khác về con mình và cố gắng thay đổi bản thân trong giáo dục con, tôi đã kể cho anh nghe những gì tôi đã chứng kiến về Q suốt học kì vừa qua, anh cảm động và đôi mắt đỏ hoe….

Ngày hôm sau đến lớp tôi thấy Q vui vẻ hơn bất cứ buổi học nào khác, em tung tăng chạy đến khoe tôi:

– Cô ơi, lần đầu tiên bố đi họp phụ huynh về mà không đánh em, bố chỉ bảo em phải cố gắng kiềm chế bản thân và chịu khó học bài. Em vui lắm cô ạ!

Thế mới biết bố mẹ và cách giáo dục của bố mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và động lực học của con cái. Ở lứa tuổi này cái mà các con cần là sự động viên, chia sẻ và thấu hiểu. Đừng vội vàng quở trách các con hãy là một người bạn sáng suốt để đồng hành cùng các con trong giai đoạn dậy thì để các con được trưởng thành đúng hướng. Có lẽ rằng, ấn tượng về một cậu học trò nhỏ nhắn, cá tính sẽ theo tôi suốt cuộc đời, cuộc đời của một người giáo viên làm công tác chủ nhiệm.