TTO – Trẻ nghỉ học ở nhà toàn thời gian trong thời dịch là một thách thức lớn cho cha mẹ và những người chăm sóc.
Dưới đây là 6 giải pháp để duy trì sự tích cực trong những ngày nghỉ học ở nhà, đồng thời thúc đẩy sự độc lập của con bạn.
1. Việc học
Nghỉ học lâu có thể khiến những đứa trẻ trở nên ủ rũ khi quay trở lại trường học. Trường hợp nghỉ dài lên tới 1-2 tháng, trẻ có thể quên đi những gì đã từng thành thạo. Hãy dành một khoảng thời gian cố định trong ngày để viết, làm toán, giải quyết vấn đề hay học một số kỹ năng mới (học chữ, cắt kéo, đếm tiền…).
2. Đọc sách
Đối với những trẻ lớn, bạn có thể thực hiện thử thách đọc 10 cuốn sách ở 10 địa điểm khác nhau (trên giường, trên ghế, trong bếp, cạnh cửa sổ, ngoài bancông, sau bữa sáng, trước khi đi ngủ, trên sàn nhà, sau khi tắm…). Hãy tự tìm ra những thử thách phù hợp với gia đình và lên một bảng kế hoạch để con thực hiện. Bạn có thể treo giải thưởng hoặc có những khuyến khích phù hợp (và nhỏ thôi) để động viên con.
3. Đảm bảo lịch sinh hoạt buổi sáng
Giờ giấc phù hợp là điều cần thiết trong những ngày nghỉ. Con có thể thư giãn, thả lỏng hơn một chút nhưng đừng bao giờ ăn sáng lúc 11h trưa hay mặc đồ ngủ cho tới tận 4h chiều. Hãy để những đứa trẻ thay quần áo, đánh răng, dọn giường và sẵn sàng cho một ngày mới. Hãy ăn sáng đúng giờ, hãy để trẻ được bận rộn nhằm hạn chế những cuộc cãi vã của anh chị em hay những xung đột khác.
4. Làm việc nhà
Có rất nhiều đứa trẻ không thích làm việc nhà. Nhưng chúng ta luôn sống trong một căn nhà như thế: bát đĩa cần rửa, quần áo bẩn cần giặt, sàn nhà cần lau. Vì vậy, những đứa trẻ nên được tham gia vào công việc nhà mỗi ngày. Quan trọng là làm sao để con làm mà không phàn nàn. Hãy yêu cầu con đổ rác; rửa chén; lau dọn bàn ăn, bàn bếp; phân loại rác; hút bụi nhà; lau sạch các tay nắm cửa bằng xịt khử trùng (rất cần thiết trong mùa dịch); dọn dẹp đồ chơi, bàn học; phân loại quần áo; dọn dẹp kho…
5. Chơi tự do
Hãy an tâm, những đứa trẻ rất sáng tạo và khi buồn chán chúng sẽ nghĩ ra những điều thú vị để chơi hoặc làm cùng nhau (như là chơi đóng vai, gia đình, tô màu, nặn đất, xếp hình, vẽ truyện, đọc sách, nghiên cứu mô hình…).
6. Cùng con trải nghiệm
Đó chính là những khoảng thời gian mà cha mẹ hoặc người lớn tham gia cùng con, cùng trải nghiệm những trò chơi hay các hoạt động cùng với nhau. Có thể là cùng nấu nướng một món con thích, cùng học một loại nhạc cụ, đọc cùng một cuốn sách, cùng lắp ráp một mô hình, cùng trồng một cái cây, gieo hạt mầm, chăm sóc một con vật mới… Đó là khoảng thời gian để cha mẹ con cái quan tâm, thấu hiểu và lắng nghe nhau. Mỗi ngày hoặc vài ngày có thể cùng nhau làm một điều gì đó đặc biệt.
Cơ hội để gần gũi con hơn
Rất lâu rồi gia đình tôi mới có cơ hội bên nhau đầy đủ và có nhiều thời gian dành cho nhau như trong thời gian con nghỉ học để phòng dịch. Những giây phút được ở cùng nhau thật đáng quý. Gia đình tôi cũng không quên chơi những trò mà cả nhà có thể chơi chung như cờ cá ngựa, cờ tỉ phú, ô ăn quan…
Những việc này lẽ ra gia đình tôi có thể chơi, có thể làm cùng nhau sau những giờ con nhỏ đi học bán trú ở trường, khi con lớn về nhà nghỉ cuối tuần. Nhưng khoảng thời gian chúng tôi bên nhau những lúc ấy ít hơn, vì khi đi học về, con nhỏ của chúng tôi còn phải lo ôn bài cũ, chuẩn bị bài vở cho ngày hôm sau; còn con lớn thì chỉ về nhà trong chưa đầy 2 ngày cuối tuần mà thôi. Nên tôi nghĩ, con được nghỉ học do dịch bệnh không còn là điều quá lo lắng khi mình biết biến thách thức thành cơ hội gần gũi con, cùng chơi, cùng học để rèn thêm các kỹ năng cho con và thắt chặt tình cảm gia đình.
PHAN LÊ CHÂU NỮ (Quảng Nam)
Kết nối với thiên nhiên
Dù hạn chế đến nơi đông người nhưng cha mẹ đừng để con 24 giờ trong 4 bức tường. Thiên nhiên luôn là liều thuốc tinh thần tích cực nhất giúp trẻ và cha mẹ thấy yêu đời. Không nhất thiết là phải đưa nhau đi du lịch, cha mẹ cũng có thể giúp con kết nối với thiên nhiên bằng những hoạt động rất đơn giản như: đi dạo quanh nhà, ghé thăm công viên gần nhà, gieo hạt và chăm sóc, trồng cây ở bancông, cùng nhau sưu tập lá khô, quan sát rễ cây…
HÀ NGỌC NGA (TP.HCM)