1. Khái niệm phương pháp dạy học trải nghiệm
Phương pháp dạy học trải nghiệm là một trong những phương pháp giáo dục hiệu quả trong dạy học môn Ngữ Văn theo chương trình GDPT 2018. Với phương pháp này, giáo viên có thể giúp học sinh trải nghiệm trực tiếp những kiến thức và kỹ năng trong môn học thông qua các hoạt động thực tế, từ đó giúp học sinh hiểu sâu hơn và yêu thích môn học.
Trải nghiệm sáng tạo môn Ngữ văn được hiểu là vận dụng những đơn vị kiến thức trong môn Ngữ văn vào thực tế, sau đó để học sinh tự trải nghiệm, rút ra kiến thức, kinh nghiệm. Từ đó, học sinh được kích thích tính chủ động, sáng tạo tiếp cận kiến thức và tăng niềm yêu thích với môn học.
2. Tính cấp thiết của phương pháp dạy học trải nghiệm
Với cách học truyền thống, môn Ngữ văn được dạy rất máy móc, khô khan, truyền đạt kiến thức một chiều mang tính áp đặt khiến học sinh không có hứng thú khi học. Nghiêm trọng hơn, điều này tạo ra lối mòn khiến học sinh lười biếng, chỉ nương theo nhận định của người khác, không tư duy sáng tạo hay cảm nhận được vẻ đẹp của văn học. Học văn qua những bài đọc khô khan trong sách vở thường không phát huy trí sáng tạo của học sinh.
Ngữ văn là bộ môn xã hội cơ bản, có vai trò quan trọng trong nền giáo dục. Ngoài phương pháp dạy học trải nghiệm môn Ngữ văn còn áp dụng được rất nhiều các phương pháp khác nhau. Tuy nhiên, học trải nghiệm sáng tạo môn Ngữ văn giúp bộ môn như có một diện mạo mới, cách tiếp cận mới. Từ đó, giáo dục nước nhà có điều kiện đổi mới, sáng tạo cách học, đưa thêm nhiều tác phẩm giá trị vào chương trình một cách nhẹ nhàng, thiết thực đến cho học sinh.
Học tập trải nghiệm sáng tạo môn Ngữ văn giúp bộ môn này trở nên sinh động, hấp dẫn hơn với người học. Nhờ đó, môn Văn không còn là môn học toàn lý thuyết hay những bài học viển vông mà trở nên có ích lợi với học sinh. Tâm lý coi nhẹ bộ môn này trong một bộ phận học sinh cũng dần dần được tháo bỏ.
3. Các hoạt động học trải nghiệm sáng tạo môn Ngữ văn.
3.1 Học trải nghiệm sáng tạo môn Ngữ văn dưới hình thức sân khấu hóa.
Sân khấu hóa là hình thức chuyển thể tác phẩm văn học thành kịch, chèo hay một loại hình nghệ thuật trình diễn nào đó. Trong đó, học sinh đóng vai các nhân vật, kể lại tác phẩm bằng thoại, diễn xuất.
Trong hoạt động sân khấu hóa, giáo viên đưa ra một hoặc một vài tác phẩm văn học để học sinh lựa chọn chuyển thể. Các bạn tự lên kịch bản, chuẩn bị đạo cụ, chuyển lời tác phẩm sang lời thoại nhân vật. Từng học sinh hoặc nhóm các bạn sẽ luyện tập với nhau trước khi chính thức biểu diễn.
Trong giờ học, thay vì đọc chép tác phẩm, các học sinh đóng vai nhân vật kể lại nội dung chi tiết. Qua đó, mỗi em tự xây dựng tính cách, ngoại hình, thể hiện nội tâm nhân vật. Giáo viên đóng vai trò nhận xét buổi trình diễn, đúc rút lại nội dung và giá trị văn học tác phẩm.
Hình thức này giúp học sinh tích cực tham gia vào giờ học văn hơn. Các em chủ động chuẩn bị kiến thức, tìm hiểu bài học. Được hóa thân vào các nhân vật văn học cũng giúp học sinh hào hứng hơn, hiểu nhân vật và tác phẩm chi tiết hơn. Các em trở nên mạnh dạn, tự tin hơn khi thường xuyên trình diễn trước tập thể lớp.
(Tiểu phẩm Người đan sọt)
(Tác phẩm nàng tiên cá)
3.2 Trải nghiệm sáng tạo môn Ngữ văn thông qua câu lạc bộ Ngữ văn.
Đây là hình thức khá thú vị và được nhiều học sinh yêu thích vì các bạn sẽ được sinh hoạt cùng bạn bè chung sở thích. Ở CLB, học sinh cùng nhau trao đổi, chia sẻ tìm hiểu về một số thể loại văn học, nghệ thuật. Các bạn được khuyến khích sáng tác các tác phẩm văn học như thơ, truyện ngắn để cùng nhau trao đổi trong câu lạc bộ hoặc gửi dự thi, đăng báo.
Nhờ các hoạt động này, học sinh hiểu sâu thêm về ngữ văn và một số thể loại thơ, văn xuôi cụ thể. Các em cũng có dịp thỏa sức sáng tạo văn học, thể hiện góc nhìn qua tác phẩm của mình. Sinh hoạt CLB cũng khiến các bạn có không gian giao lưu, gặp gỡ bạn bè, vui vẻ và lành mạnh.
3.3 Trải nghiệm môn Ngữ văn dưới hình thức tham quan, dã ngoại.
Đây là hình thức học trải nghiệm sáng tạo môn ngữ văn đưa học sinh đi tham quan các địa điểm có liên quan đến tác phẩm văn học. Trải nghiệm tham quan, dã ngoại này giúp học sinh khắc sâu kiến thức lại thay đổi môi trường học mới mẻ hơn.
Tại hoạt động tham quan, dã ngoại, học sinh được thăm thú di tích và được giới thiệu các thông tin lịch sử, văn hóa về địa danh này. Các em sẽ mở mang vốn kiến thức nền về địa lý, lịch sử gắn với danh lam thắng cảnh và bối cảnh ra đời tác phẩm văn học.
Như vậy, không chỉ có thêm kiến thức liên quan tới tác phẩm, học sinh còn có thêm nhiều hiểu biết khác. Hoạt động này cũng giúp các em có giờ phút thư giãn vui vẻ, gắn kết với tập thể bạn bè.
(Tham quan dã ngoại tại Đền Hùng)
(Tham quan dã ngoại tại Bát Tràng)
3.4 Trải nghiệm sáng tạo môn Ngữ văn khi học sinh trở thành những nhà thiết kế sáng tạo.
Hoạt động này giúp học sinh tự tin, nâng cao kỹ năng giao tiếp, khả năng khéo léo của bản thân.
(Trang phục nhân vật Bê li cốp)
(Trang phục Kimono Nhật Bản)
(Trang phục nhân vật Huấn Cao)
3.5 Trải nghiệm sáng tạo môn Ngữ văn khi học sinh trở thành những chuyên viên công nghệ thông tin.
HS tự thiết kế bài giảng, một số trò chơi văn học để chiếm lĩnh kiến thức một cách nhanh nhất.
3.5 Trải nghiệm sáng tạo môn Ngữ văn khi học sinh trở thành những nhà nghiên cứu.
Học sinh được tập nghiên cứu báo cáo về chủ đề, vấn đề văn học. Hoạt động này giúp kích thích sự tìm tòi, nghiên cứu của học sinh, rèn kĩ năng báo cáo trước đám đông.
4. Ưu điểm và hạn chế của phương pháp dạy học trải nghiệm
4.1 Ưu điểm
Với giáo viên, học trải nghiệm sáng tạo môn Ngữ văn là cơ hội để các thầy cô thay đổi phương pháp giảng dạy đã tồn tại nhiều năm. Giáo viên cũng phải tự mình nghiên cứu, sáng tạo, tìm cách tương tác với học trò. Việc này tăng tính chủ động của cả người dạy và người học đối với bộ môn này.
Học tập trải nghiệm sáng tạo Ngữ văn khiến môn học này không còn khô khan, nặng nề đọc chép mà mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người học:
Giúp người học chủ động tiếp nhận kiến thức
Với phương pháp học trải nghiệm sáng tạo môn Ngữ văn, giáo viên thường sẽ để học sinh chủ động tìm hiểu tác phẩm dưới nhiều hình thức. Ngoài ra, thầy cô còn có thể giao nhiệm vụ phù hợp trước, trong và sau khi học một bài học cho các bạn. Từ đó, học sinh sẽ hứng thú hơn và chủ động tìm hiểu tác phẩm để hoàn thành nhiệm vụ.
Ví dụ, với tác phẩm Chí Phèo trong chương trình Ngữ văn lớp 11, thay vì yêu cầu học sinh về nhà soạn bài một cách ép buộc, giáo viên có thể chia vai cho học sinh để các em tự tìm hiểu nhân vật của mình. Sau đó, các bạn cùng nhau đóng kịch, phản biện với nhau tại một phiên tòa xem Chí Phèo có tội hay không.
Nhờ hoạt động đó, học sinh có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về nhân vật, tác phẩm. Các kiến thức như cốt truyện, hình tượng nhân vật, giá trị hiện thực và nhân đạo của một tác phẩm văn học,… được các em tiếp thu dễ dàng, sâu sắc hơn.
Kích thích trí sáng tạo
Với các hình thức đa dạng từ thi hát, vẽ, làm đồ thủ công, tranh biện,… học trải nghiệm sáng tạo môn Ngữ văn sẽ giúp kích thích trí tưởng tượng và óc sáng tạo của học sinh.
Ví dụ, giáo viên có thể ra đề cho học sinh vẽ, sáng tạo tranh với chủ đề “Thuyền và biển” khi học bài Thuyền và biển trong chương trình Ngữ văn lớp 11.
Trước giờ học, các em sẽ tự chuẩn bị giấy, màu vẽ, đạo cụ cần có khác để sáng tạo bức vẽ theo hình thức 3D chẳng hạn. Học sinh cũng cần trao đổi, bàn luận để thống nhất về ý tưởng thể hiện.
Trong giờ học, các em tự tay thực hiện ý tưởng của mình hoặc của nhóm. Một thành viên sẽ đại diện thuyết trình về bức tranh sau khi hoàn thành. Hình thức học sáng tạo này giúp học sinh chủ động, phát huy được khả năng sáng tạo của bản thân.
Khơi gợi niềm yêu thích với văn học và cái đẹp
Thay vì việc chỉ ngồi nghe, đọc và chép, giờ đây học sinh có thể chủ động trải nghiệm tác phẩm văn học một cách sống động, đa dạng hình thức và thú vị hơn. Từ đó, học sinh sẽ cảm được cái hay, cái đẹp của văn học.
Học sinh có thể hóa thân thành một nhân vật trong tác phẩm để thể hiện lại chính tác phẩm đó. Các em tự chọn tác phẩm mình thích, chuyển thể từ văn xuôi hoặc thơ sang hình thức thoại trong kịch nói. Trước giờ học, học sinh chuẩn bị trang phục, đạo cụ, tập lời thoại.
Trong giờ học, các em thể hiện tính cách và tâm lý nhân vật thông qua cử chỉ, lời thoại nằm trong kịch bản đã chuẩn bị trước đó. Ngoài ra, học sinh cần phối hợp nhịp nhàng với thành viên trong nhóm để đem đến trích đoạn văn học đặc sắc và sinh động nhất.
Hình thức học văn sáng tạo này giúp học sinh tiếp cận tác phẩm theo góc nhìn mới mẻ hơn. Các em sẽ hiểu chi tiết tính cách, đặc trưng nhân vật nhờ quá trình tự tìm tòi, chuyển thể văn hoặc thơ sang kịch. Học thuộc thoại và diễn lại trên sân khấu giúp học sinh vừa nhớ kỹ nội dung tác phẩm, vừa rèn sự tự tin, kỹ năng giao tiếp.
Tăng tư duy phản biện
Thông qua hoạt động học trải nghiệm sáng tạo môn ngữ văn, học sinh sẽ không tiếp nhận kiến thức một chiều mà được tự do thể hiện quan điểm, đánh giá của mình về nhân vật. Do đó, cách học này rèn luyện cho các em tư duy phản biện hiệu quả.
Ví dụ, ở giờ Ngữ văn, giáo viên có thể tổ chức cuộc thi tranh biện trong lớp về một hiện tượng xã hội. Hoạt động đó góp phần kích thích tinh thần tranh luận sôi nổi, để các bạn học sinh đưa ra nhiều ý kiến trái chiều thú vị.
4.2 Hạn chế
Bên cạnh những ưu điểm thì phương pháp dạy học trải nghiệm sáng tạo cũng có nhiều hạn chế nhất định. Dưới đây là những khó khăn khi dạy học trải nghiệm sáng tạo mà người dạy và học thường gặp phải.
Yêu cầu về sự tập trung
Học tập bằng phương pháp trải nghiệm sáng tạo được đánh giá là tương tự một môn học thực hành và cần sự tham gia tích cực từ phía học sinh. Chính bởi vì thế mà khi học tập theo phương pháp này, người học cần có sự tập trung cao độ để theo kịp tốc độ của các hoạt động cũng như nội dung kiến thức của môn học.
Yêu cầu về tâm lý
Một yếu tố quan trọng phải kể đến khi dạy học bằng phương pháp trải nghiệm sáng tạo nếu không được hướng dẫn kỹ càng và không có sự chuẩn bị về tâm lý thì các em rất dễ rơi vào trạng thái hoang mang, khó hòa nhập với không khí của lớp học.
Yêu cầu cao về kế hoạch dạy học
Một chương trình dạy học bằng phương pháp trải nghiệm sáng tạo sẽ cần nhiều thời gian trong cả khâu lên kế hoạch và triển khai. Cụ thể, người dạy sẽ cần thiết lập về mục tiêu của hoạt động, hình thức tổ chức, thời điểm tổ chức, cách thức tổ chức… Do vậy, việc để có thể đưa một hoạt động học trải nghiệm sáng tạo vào chương trình dạy học cần rất nhiều sự cân nhắc và đầu tư chất lượng rất cao về mặt giáo án.
Yêu cầu kĩ năng bao quát cao
Khi tổ chức bất cứ một hoạt động dạy học bằng phương pháp trải nghiệm sáng tạo nào thì yếu tố về sự an toàn trong quá trình tổ chức hoạt động học tập trải nghiệm đều rất quan trọng. Chính vì vậy mà giáo viên cần có kỹ năng quan sát và bao quát để có thể quản lý hết được tất cả các em học sinh.
Bên cạnh đó, trong quá trình giảng dạy, giáo viên cũng cần vận dụng kĩ năng bao quát để xử lý những vấn đề phát sinh liên quan như khả năng tiếp cận bài học của học sinh, công tác điều phối và tương tác với người học,…
Yêu cầu kỹ năng mềm khác
Ngoài ra, để dạy học bằng phương pháp trải nghiệm sáng tạo hiệu quả thì giáo viên cần phải trang bị cho mình thêm nhiều kỹ năng mềm khác như kỹ năng sử dụng phần mềm, kỹ năng huấn luyện – đào tạo, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng y tế cơ bản,…
5. Kết luận
Trên đây là một số cách giáo viên có thể áp dụng phương pháp dạy học trải nghiệm trong dạy và học môn Ngữ Văn theo chương trình GDPT 2018. Có thể khẳng định việc tổ chức các hoạt động học tập trải nghiệm trong bộ môn Ngữ Văn giúp tăng cương sự hứng thú cho học sinh và giúp học sinh tiếp thu kiến thức bài học một cách hiệu quả. Tuy nhiên, để phương pháp này thực sự mang lại giá trị, giáo viên cần đưa ra kế hoạch giảng dạy cụ thể, chủ động tìm kiếm các tài nguyên và thiết kế các hoạt động phù hợp với từng bài học, đồng thời đưa ra phản hồi liên tục để giúp học sinh phát triển tốt hơn trong môn học Ngữ Văn.
Khúc Thị Hà – Giáo viên Ngữ văn