QUẢN LÝ LỚP HỌC – KỸ NĂNG CẦN THIẾT ĐỐI VỚI MỖI GIÁO VIÊN

Quản lý lớp học là quá trình tổ chức, theo dõi và đánh giá các hoạt động dạy học trong lớp học. Đặc biệt quản lý lớp học hiệu quả là có thể hỗ trợ học sinh phát triển các kỹ năng mềm và tư duy sáng tạo. Dù là giáo viên đứng lớp lâu năm hay những người mới vào nghề đều sẽ cần đến kỹ năng này để tạo ra một môi trường học tập tích cực cho học sinh. Tôi là một giáo viên trẻ, đã có gần 4 năm được nhà trường tin tưởng phân công dạy và làm công tác chủ nhiệm lớp. Tôi nhận thấy rằng quản lý lớp học là một trong những kỹ năng quan trọng nhất đối với giáo viên. Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ góc nhìn của bản thân về những điều mình đã và đang được học hỏi rèn luyện về kỹ năng quản lý lớp học của giáo viên.

Nhìn lại suốt hành trình đã qua, có những thời điểm tôi đã thực sự nghi ngờ về năng lực của bản thân mình cũng như khả năng tiến bộ của lớp học mình . Liệu rằng, những gì tôi đã làm có phải là điều đúng đắn? Liệu rằng, học sinh có thể làm theo những gì mà tôi hướng dẫn? Liệu rằng chúng có biết cách tuân theo những nội quy và quy trình mà tôi đã đưa ra?…Khi tôi bước vào lớp học, tất cả mọi thứ dường như khác xa so với những gì mà tôi dự đoán và kỳ vọng. Những học sinh mới dường như muốn thử thách bản lĩnh, sự kiên nhẫn và năng lực của tôi. Chúng nói chuyện, la hét, quên đồ dùng học tập, đi học muộn, nghịch ngợm trong lớp,… Tôi đã phải thay đổi cách tiếp cận và phương pháp của mình. Suy ngẫm về chặng hành trình đã qua, tôi nhận ra, có những điều dường như không bao giờ thay đổi. Những điều đó sẽ làm nên sự kỳ diệu và những thay đổi đáng kinh ngạc của lớp học.

Đầu tiên, sự kiên nhẫn là điều quan trọng nhất. Trong thời đại ngày nay, dường như mọi thứ đều ‘mì ăn liền”, nhanh chóng, ngay tức thì. Tải một file nhạc cũng ngay lập tức, chia sẻ một bức ảnh cũng ngay lập tức, ăn uống cũng là đồ ăn nhanh,… và tất nhiên, sự hài lòng cũng phải ngay lập tức. Nhưng, để thay đổi một đứa trẻ và rộng hơn là một lớp học thì không thể nào “mì ăn liền” như vậy được. Bạn phải kiên nhẫn và rất kiên nhẫn nếu bạn muốn có được thành công thực sự, có được sự thay đổi và tình cảm thực sự từ học sinh.

Thứ hai, đó là sự tin tưởng. Hãy tin vào học sinh của bạn. Hãy tin rằng chúng là những học sinh ngoan, chúng hoàn toàn có thể thay đổi hành vi và học tập tốt. Nếu học sinh làm sai điều gì đó, hãy cho chúng được cơ hội làm lại. Nếu học sinh tiếp tục vi phạm, hãy đồng hành cùng chúng. Nếu muốn thay đổi một điều gì đó, hãy cho học sinh có cơ hội được làm quen và thích nghi. Vậy đó, bạn sẽ không có được bất kỳ thành công nào trong lớp học nếu như bạn đánh mất đi sự tin tưởng ở học sinh.

Thứ ba, giáo viên hãy chú ý đến những điều nhỏ bé. Nếu bạn muốn thay đổi một lớp học, điều chỉnh hành vi của học sinh, hãy bắt đầu từ những điều nhỏ bé. Hãy quan tâm đến những hành vi nhỏ ngay từ khi nó chưa xuất hiện. Hãy để ý đến những thay đổi dù là nhỏ nhất của học sinh. Hãy điều chỉnh những vấn đề về hành vi cho dù nó rất bé. Đừng ngại, cũng đừng sợ mất thời gian. Những điều nhỏ bé đó sẽ giúp bạn trở thành một người giáo viên kiên định và nhất quán. Nó cũng cho học sinh cơ hội hiểu về những kỳ vọng và thực hiện những kỳ mọng mà bạn đã đặt ra.

Thứ tư, giáo viên nên duy trì khen ngợi điều tích cực đối với học sinh. Khi bạn nhận thấy học sinh của bạn đang một điều gì đó tốt hay đạt được những kỳ vọng mà bạn đã đặt ra, hãy cho học sinh biết điều đó. Hãy động viên, khen ngợi và cho chúng biết cảm giác hài lòng của bạn. Lời khen có giá trị rất lớn đối với thành công của học sinh trong quá trình học tập. Hãy sử dụng nó mỗi khi có thể và hãy cố gắng làm cho lời khen của bạn trở nên giá trị và hiệu quả hơn với học sinh.

Cuối cùng, giữ gìn và duy trì mối quan hệ với học sinh. Tận dụng mọi cơ hội để xây dựng mối quan hệ với học sinh của bạn. Hãy tạo ra các cơ hội để học sinh có thể chia sẻ về bản thân trong các bài tập và thảo luận hàng ngày. Tôn trọng sự sẵn sàng chia sẻ hoặc không chia sẻ của học sinh. Cung cấp nhiều cơ hội để học sinh có được tiếng nói và sự lựa chọn trong lớp học. Thay vì đuổi những “học sinh phiền phức” ra khỏi lớp, hãy kéo học sinh đó lại gần và đi tìm những nguyên nhân dẫn đến những vấn đề về hành vi của học sinh. Điều này sẽ giúp bạn phát hiện ra khá nhiều điều thú vị mà trước đây bạn đã vô tình bỏ qua hoặc không nhận ra.

Bằng những cách đó, tôi đã vượt qua được một năm học mà ban đầu tôi nghĩ là sẽ rất tồi tệ. Và cũng bằng cách đó, tôi đã có những kỷ niệm đáng nhớ với những học sinh mà tôi yêu quý. Năm học mới, tôi được hiệu trưởng phân công công việc giảng dạy ở một lớp học khác. Nhưng khác với những lần trước, lần này tôi cảm thấy khá thoải mái và tự tin để bắt đầu một hành trình mới.

Giáo viên: Trịnh Thị Ngọc Ánh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *