Hóa học và đời sống (Nguyễn Thị Nguyệt Mai – GV Hóa học)

HÓA HỌC VÀ ĐỜI SỐNG

  1. Vì sao khi cơm bị khê người ta thường cho vào nồi cơm một mẩu than củi?

Trả lời: Do than củi xốp có tính hấp phụ nên hấp phụ mùi khét của cơm khê, làm cho cơm đỡ mùi khê.

  1. Khí CO2 dùng để dập tắt đám cháy nhưng không dùng để dập tắt đám cháy của chất nào?

Trả lời: Không thể dập tắt đám cháy của các kim loại K, Na, Mg,… bằng khí CO2. Do các kim loại trên có tính khử mạnh nên vẫn cháy được trong khí quyển CO. Thí dụ: 2Mg + CO2 -> 2MgO + C.

  1. Làm thế nào để tạo khói màu trên sân khấu?

Trả lời: Trong các buổi biểu diễn ca nhạc hay trong các đám cưới, người ta thường tạo khói trắng bằng cách thả các viên đá băng khô (CO2 rắn) vào các ly đựng nước nóng. CO2 rắn thăng hoa nhanh, làm giảm nhiệt độ của vùng không khí xung quanh ly nước khiến cho hơi nước ngưng tụ tạo thành đám sương mù màu trắng. Để tạo hiệu ứng khói màu, người ta chiếu ánh sáng màu lên màn sương này.

  1. Vì sao nên bôi vôi vào vết côn trùng đốt?

Trả lời: Theo kinh nghiệm dân gian truyền lại thì khi bị côn trùng đốt, nếu bôi vôi vào vết đốt thì vết thương sẽ mất đi và không còn cảm giác ngứa rát nữa. Hiện tượng này, ngày nay hoá học đã giải thích được rõ ràng: trong nọc độc của một số côn trùng như: ong, kiến, muỗi… có chứa một lượng axit fomic gây bỏng da và đồng thời gây rát, ngứa. Ngoài ra, trong nọc độc ong còn có cả HCl, H3PO4, cholin… nên khi bị ong đốt, da sẽ phồng rộp lên và rất rát. Người ta vội lấy vôi hay dung dịch xút để bôi vào vết côn trùng đốt. Khi đó xảy ra phản ứng trung hoà làm cho vết phồng xẹp xuống và không còn cảm giác rát ngứa.
HCOOH + Ca(OH)2 -> Ca(HCOO)2 +H2O

  1. 5. “Hiện tượng mưa axit” là gì ? Tác hại như thế nào ?

Trả lời: – Khí thải công nghiệp và khí thải của các động cơ đốt trong (ô tô, xe máy…) có chứa các khí SO2, NO, NO2,…Các khí này tác dụng với oxi O2 và hơi nước trong không khí nhờ xúc tác oxit kim loại (có trong khói, bụi nhà máy) hoặc ozon tạo ra axit sunfuric H2SO4 và axit nitric HNO3.

2SO2 + O2 + 2H2O → 2H2SO4

2NO + O2 → 2NO2

4NO2 + O2 + 2H2 O → 4HNO3

Axit H2SO4 và HNOtan vào nước mưa tạo ra mưa axit.

– Hiện nay mưa axit là nguồn ô nhiễm chính ở một số nơi trên thế giới. Mưa axit làm hư hỏng các tượng đài làm từ đá cẩm thạch, đá vôi, đá phiến (các loại đá này thành phần chính là CaCO3):

CaCO3 + H2SO4 → CaSO4 + CO2↑ + H2O

CaCO3 + 2HNO3 → Ca(NO3)2 + CO2↑ + H2O

  1. Bột nở là chất gì mà có thể làm cho bánh to ra và xốp được ?

Trả lời: (NH4)2CO3 được dùng làm bột nở vì khi trộn thêm bột mì hoặc các bột khác, lúc nướng bánh (NH4)2CO3 phân hủy thành các chất khí và hơi làm cho bánh xốp và nở.

(NH4)2CO3  => NH3 + CO2  + H2O

  1. Tại sao khi nấu nước giếng ở một số vùng, lâu ngày thấy xuất hiện lớp cặn ở đáy ấm? Cách tẩy lớp cặn này như thế nào?

Trả lời: Trong tự nhiên, nước ở một số vùng là nước cứng tạm thời – là nước có chứa các muối axit như: Ca(HCO3)2 và Mg(HCO3)2.

Khi nấu nước lâu ngày thấy xảy ra phương trình hóa học:

Ca(HCO3)2  →CaCO3↓ + CO2↑ + H2O

Mg(HCO3)2  →MgCO3↓ + CO2↑ + H2O

Do CaCO3 và MgCO3 là chất kết tủa nên lâu ngày sẽ đóng cặn. Để tẩy lớp cặn này thì dùng giấm (dung dịch CH3COOH 5%) cho vào ấm đun sôi để nguội khoảng một đêm rồi rửa sạch.

  1. Vì sao người ta dùng tro bếp để bón cho cây ?

Trả lời: Trong tro bếp có chứa muối K2CO3 cung cấp nguyên tố kali cho cây.

  1. 9.Vì sao ta hay dùng bạc để “đánh gió” khi bị bệnh cảm ?

Trả lời: Khi bị bệnh cảm, trong cơ thể con người sẽ tích tụ một lượng khí H2S tương đối cao. Chính lượng H2S sẽ làm cho cơ thể mệt mỏi. Khi ta dùng Ag để đánh gió thì Ag sẽ tác dụng với khí H2S. Do đó, lượng H2S trong cơ thể giảm và dần sẽ hết bệnh. Miếng Ag sau khi đánh gió sẽ có màu đen xám:

4Ag + 2H2S + O2 → 2Ag2S↓ + 2H2O

  1. Vì sao ở các cơ sở đóng tàu thường gắn một miếng kim loại Kẽm Zn ở phía sau đuôi tàu?

Trả lời: Thân tàu biển được chế tạo bằng gang thép. Gang thép là hợp kim của sắt, cacbon và một số nguyên tố khác. Đi lại trên biển, thân tàu tiếp xúc thường xuyên với nước biển là dung dịch chất điện li nên sắt bị ăn mòn, gây hư hỏng.

Để bảo vệ thân tàu người thường áp dụng biện pháp sơn nhằm không cho gang thép của thân tàu tiếp xúc trực tiếp với nước biển. Nhưng ở phía đuôi tàu, do tác động của chân vịt, nước bị khuấy động mãnh liệt nên biện pháp sơn là chưa đủ. Do đó mà phải gắn tấm kẽm vào đuôi tàu.

Khi đó sẽ xảy ra quá trình ăn mòn điện hóa. Kẽm là kim loại hoạt động hơn sắt nên bị ăn mòn, còn sắt thì không bị mất mát gì.

Sau một thời gian miếng kẽm bị ăn mòn thì sẽ được thay thế theo định kỳ. Việc này vừa đở tốn kém hơn nhiều so với sửa chữa thân tàu.

  1. Vì sao khi mở bình nước ngọt có ga lại có nhiều bọt khí thoát ra ?

Trả lời: Nước ngọt không khác nước đường mấy chỉ có khác là có thêm khí cacbonic CO2. Ở các nhà máy sản xuất nước ngọt, người ta dùng áp lực lớn để ép CO2 hòa tan vào nước. Sau đó nạp vào bình và đóng kín lại thì thu được nước ngọt.

Khi bạn mở nắp bình, áp suất bên ngoài thấp nên CO2 lập tức bay vào không khí. Vì vậy các bọt khí thoát ra giống như lúc ta đun nước sôi. Về mùa hè người ta thường thích uống nước ngọt ướp lạnh.

Khi ta uống nước ngọt vào dạ dày, dạ dày và ruột không hề hấp thụ khí CO2. Ở trong dạ dày nhiệt độ cao nên CO2 nhanh chóng theo đường miệng thoát ra ngoài, nhờ vậy nó mang đi bớt một nhiệt lượng trong cơ thể làm cho người ta có cảm giác mát mẻ, dễ chịu. Ngoài ra CO2 có tác dụng kích thích nhẹ thành dạ dày, tăng cường việc tiết dịch vị, giúp nhiều cho tiêu hóa.

  1. Làm cách nào để quả mau chín ?

Trả lời: Từ lâu người ta đã biết xếp một số quả chín vào giữa sọt quả xanh thì toàn bộ sọt quả xanh sẽ nhanh chóng chín đều. Tại sao vậy ?

Bí mật của hiện tượng này đã được các nhà khoa học phát hiện khi nghiên cứu quá trình chín của trái cây. Trong quá trình chín trái cây đã thoát ra một lượng nhỏ khí etilen. Khí này sinh ra có tác dụng xúc tác quá trình hô hấp của tế bào trái cây và làm cho quả mau chín.

Nắm được bí quyết đó người ta có thể làm chậm quá trình chín của trái cây bằng cách làm giảm nồng độ etilen do trái cây sinh ra. Điều này đã được sử dụng để bảo quản trái cây không bị chín nẫu khi vận chuyển xa. Ngược lại khi cần cho quả mao chín, người ta thêm etilen vào kích thích quá trình hô hấp của tế bào trái cây.

Ngày nay người ta dùng khí đá cho vào thùng trái cây để làm trái cây mau chín vì khi có hơi nước khí đá tác dụng trong môi trường ẩm sinh ra etilen làm trái cây mau chín.

  1. Tại sao rượu giả có thể gây chết người ?

Trả lời: Để thu được nhiều rượu (rượu etylic) người ta thêm nước vào pha loãng ra những vì vậy rượu nhạt đi người uống không thích. Nên họ pha thêm một ít rượu metylic làm nồng độ rượu tăng lên. Chính rượu metylic gây ngộ độc, nó tác động vào hệ thần kinh và nhãn cầu, làm rối loạn chức năng đồng hóa của cơ thể gây nên sự nhiễm độc.

  1. Vì sao dụng cụ phân tích rượu có thể phát hiện các lái xe đã uống rượu?

Trả lời:Thành phần chính của các loại nước uống có cồn là rượu etylic.

Đặc tính của rượu etylic là dễ bị oxi hóa. Có rất nhiều chất oxi hóa có thể tác dụng với rượu nhưng người chọn một chất oxi hóa là crom(VI)oxit. Đây là một chất oxi hóa rất mạnh, là chất ở dạng kết tinh thành tinh thể màu vàng da cam. Bột oxit CrO3 khi gặp rượu etylic sẽ bị khử thành oxit Cr2O3 là một hợp chất có màu xanh đen. Các cảnh sát giao thông sử dụng các dụng cụ phân tích rượu etylic có chứa CrO3. Khi tài xế hà hơi thở vào dụng cụ phân tích trên, nếu trong hơi thở có chứa hơi rượu thì hơi rượu sẽ tác dụng với CrO3 và biến thành Cr2O3 có màu xanh đen. Dựa vào sự biến đổi màu sắc mà dụng cụ phân tích sẽ thông báo cho cảnh sát biết được mức độ uống rượu của tài xế. Đây là biện pháp nhằm phát hiện các tài xế đã uống rượu khi tham gia giao để ngăn chặn những tai nạn đáng tiếc xảy ra.